Thực hiện Quyết định số 1310/QĐ-UBND ngày 01 tháng 6 năm 2022 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt Đề án chuyển đổi số Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2022-2025. Trong năm 2022, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) đã triển khai nhiều nhiệm vụ trong đó trọng tâm thực hiện các nhiệm vụ để mang đến du khách những trải nghiệm thú vị, tiện ích khi tham quan tại các địa điểm thuộc Quần thể Di tích Huế.
1. Triển khai Nâng cấp Hệ thống vé điện tử
Từ đầu năm 2022, Trung tâm đã tiến hành xây dựng và nâng cấp hệ thống vé điện tử của Trung tâm trên nền tảng web (hướng đến tích hợp trên nền tảng app mobile) phục vụ công tác quản lý điều hành các hoạt động bán vé của Trung tâm, triển khai tại tất cả các địa điểm bán vé thuộc Quần thể Di tích Huế và nhằm phục vụ cho du khách, các khách sạn, công ty lữ hành và các du khách chủ động mua vé trực tuyến để tham quan di tích Huế.
Từ tháng 11/2022, Trung tâm đã tiến hành thử nghiệm tại 4 địa điểm: Đại Nội, Lăng Tự Đức, Lăng Minh Mạng, Lăng Khải Định cho thấy các kết quả rất tích cực trong việc triển khai hệ thống vé điện tử (trước đây sử dụng hệ thống thẻ từ để vào các cổng kiểm soát có nhiều bất cập). Cho đến nay, 100% vé tham quan tại 4 điểm di tích trên đã được thực hiện bán vé điện tử trên hệ thống phần mềm và quét mã QR khi vào cổng kiểm soát.
Đáng chú ý, ngoài chức năng chính là bán vé tham quan, phần mềm này giới thiệu theo hình thức giản lược các địa điểm du lịch thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế quản lý bằng các bài viết song ngữ Việt-Anh. Hệ thống hình ảnh di sản được chọn lọc với tính thẩm mỹ cao cũng là một điểm nhấn của ứng dụng công nghệ này.
Một số tính năng nổi bật của Hệ thống vé điện tử:
1. Thuận tiện cho du khách
- Mua vé mọi lúc mọi nơi.
- Sử dụng một mã vé để tham quan nhiều điểm.
- Thanh toán linh động: tiền mặt, trực tuyến, quét mã thanh toán, thanh toán qua thẻ.
- Dùng mã vé để tra cứu tình trạng sử dụng khi cần.
2. Ứng dụng chuyển đổi số để cải thiện tốc độ và chất lượng trong nghiệp vụ bán vé truyền thống
- Cải thiện tình trạng dồn ứ tại quầy bán vé truyền thống.
- Bán vé đoàn, vé tuyến nhiều điểm trên cùng một mã vé.
- Thông tin vé, khách hàng, tình trạng sử dụng vé được cập nhật tức thời.
- Kết nối xuất biên lai điện tử.
- Kiểm soát vé thống qua QR code linh động.
- Hạn chế tình trạng thất thoát vé.
3. Thống kê, báo cáo tức thời
- Cập nhật số liệu vé bán ra, doanh thu, lượt khách tham quan theo thời gian thực.
- Cung cấp công cụ thống kê theo nhiều tiêu chí.
- Hỗ trợ tối đa công tác tổng hợp báo cáo ở các vai trò bán vé, kiểm soát vé, kế toán v.v...
- Trình diễn số liệu trực quan, góp phần hỗ trợ công tác quản lý điều hành thuận lợi.
4. Hỗ trợ bộ phận kiểm soát vé
- Sử dụng mã QR để checkin tại các địa điểm di tích, đồng thời theo dõi được lượt vào tham quan của khách du lịch thông qua bảng thông tin, lưu lại thời gian vào các Cổng kiểm soát vé.
- Kiểm soát, tìm kiếm thông tin vé trên các thiết bị di động.
Việc triển khai các nền tảng du lịch thông minh và đưa vào sử dụng vé điện tử là vấn đề cấp thiết và là giải pháp hiệu quả để nâng cao công tác quản lý, điều hành của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, quản lý chặt chẽ nguồn thu bán vé, ngăn chặn thất thoát, sai sót trong quá trình đối chiếu, sót vé, giảm phiền hà cho du Khách tham quan khi đến tham quan. Ngoài ra, tăng cường công tác quảng bá và phân phối vé tham quan tại Quần thể Di tích Huế, gia tăng lượng Khách tham quan tham quan và doanh thu, đáp ứng yêu cầu đổi mới phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, góp phần thúc đẩy công tác triển khai chuyển đổi số ngành du lịch trên địa bản tỉnh Thừa Thiên Huế.
Địa chỉ truy cập hệ thống vé điện tử: https://eticket.hueworldheritage.org.vn/
2. Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR
Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR là hình thức thực tế ảo mở rộng, dùng kính Nreal Glass (XR) và dịch vụ Ki-ốt chụp ảnh (AR Photo Kiosk) phát triển từ dịch vụ thực tế ảo VR “Đi tìm hoàng cung đã mất” do Trung tâm BTDTCĐ Huế và Công ty CP IV COM hợp tác thực hiện trước đây tại Đại Nội-Huế.
- Dịch vụ dùng kính Nreal Glass: Du khách đeo kính Nreal Glass và có thể trải nghiệm nội dung XR nhận biết các vật thể tại các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội Huế được tạo nên dựa trên nền tảng máy chủ ảo cá nhân (VPS) - (dịch vụ có thu phí).
- Dịch vụ Ki-ốt chụp ảnh (AR Photo Kiosk): Máy được đặt trong Trung tâm VR và được chụp theo hình thức chụp AR, đây là một loại hình dịch vụ chụp hình lấy phông nền là Hoàng thành Huế, kết hợp với các nhân vật lịch sử hoặc có thể chèn các hiệu ứng, biểu tượng cảm xúc, sau đó in ra ảnh hoặc các tấm thẻ (dịch vụ có thu phí).
Tính tiện dụng của “hệ thống vé điện tử”, và sự trực quan sinh động của “trải nghiệm thực tế ảo XR” hứa hẹn sẽ là những hấp lực mới đối với du khách đến với di sản Huế.
Sự kiện Khai trương Hệ thống vé điện tử và dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR tại Quần thể Di tích Cố đô Huế đánh dấu bước chuyển đổi mạnh mẽ trong quá trình thực hiện Chuyển đổi số của Trung tâm mang lại nhiều trải nghiệm mới cho du khách tham quan tại Quần thể di tích Cô đô Huế.
Lễ Khai trương diễn ra tại Ngọ Môn, Đại Nội – Huế vào lúc 7h00 ngày 20/12/2022. Khách mua vé tham qua Đại Nội được miễn phí dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR (trong ngày 20/12/2022) tại khu vực trải nghiệm XR (bên tả Điện Thái Hòa).